Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, lượng vốn FDI vào bất động sản vào Việt Nam 7 tháng đầu năm đạt 1,17 tỷ USD, giảm hơn 1,6 tỷ USD, tương ứng khoảng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng năm nay, Việt Nam không có dự án mới, có vốn khủng đổ vào bất động sản như các năm trước. Điều này khiến vốn ngoại giảm mạnh thời gian qua.
Vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh (Ảnh minh họa). |
Trong khi đó, lượng vốn đăng ký 7 tháng qua so với cùng kỳ 2020 cũng chỉ giảm hơn 2 tỷ USD. Cụ thể, tổng vốn đăng ký, cấp mới và tăng thêm của khu vực FDI cho nền kinh tế ước đạt hơn 16,7 tỷ USD, giảm 2,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Về đối tác đầu tư, 7 tháng qua, Việt Nam vẫn có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn, trong đó, Singapore là đối tác đầu tư lớn nhất với gần 6 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ hai với 2,54 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ ba, tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Về địa bàn đầu tư, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,58 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đó là TPHCM với 1,78 tỷ USD vốn đăng ký. Bình Dương đứng thứ 3 với 1,33 tỷ USD, kế tiếp là các thành phố lớn như TP. Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội…
Việt Nam hiện vẫn là nước thu hút vốn đầu tư lớn từ các đại gia bất động sản, trong đó phần lớn là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia.
Trong năm 2020, dù bối cảnh đại dịch song Việt Nam vẫn có một số dự án bất động sản được nhà đầu tư ngoại tăng vốn như Khu đô thị trung tâm tây Hồ Tây. Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, không có nhiều đại dự án tăng thêm vốn, chỉ có những dự án cấp mới, chờ kế hoạch khởi công.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hiện xu hướng giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam xuất hiện ở nhiều ngành, lĩnh vực. Đây là quá trình tái cơ cấu dự án đầu tư, loại bỏ các dự án thiếu điều kiện, thâm dụng năng lượng, lao động và trình độ thấp. Tuy nhiên, việc giảm đầu tư nước ngoài cũng liên quan đến thị trường vốn đầu tư toàn cầu đang giảm do tác động tiêu cực của đại dịch.
Việc thiếu các dự án lớn, dự án tạo động lực cho tăng trưởng của các nền kinh tế chú trọng vào FDI như Việt Nam, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế này trong ngắn hoặc trung hạn, nhất là trong bối cảnh các dự án đầu tư công đình trệ, đầu tư của khu vực tư nhân còn nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kết hết tháng 7, Việt Nam có hơn 399,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với số dự án khoảng 33.800 dự án. Trong đó vốn FDI cho công nghiệp chế biến, chế tạo là hơn 233,6 tỷ USD chiếm gần 70% tổng vốn, bất động sản đứng thứ 2 với hơn 62 tỷ USD.
Theo An Linh/Dantri.com.vn